Được phát triển từ các công trình khoa học cấp tỉnh, hai cuốn sách ra đời nhằm mục đích giúp các nhà quản lý, nhà đầu tư cũng như những người quan tâm đến văn hoá dân gian vùng ven biển Hà Tĩnh có cái nhìn sâu hơn, chi tiết hơn; phục vụ tốt hơn việc phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch bảo vệ chủ quyền biển đảo nơi đây.
Cuốn sách Di sản văn hoá vùng ven biển Hà Tĩnh với phát triển kinh tế du lịch, văn hoá và bảo vệ chủ quyền biển đảo ngoài gồm có 3 chương chính: Chương 1: Di sản văn hoá vật thể; Chương 2: Di sản văn hoá phi vật thể; Chương 3: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá vùng ven biển Hà Tĩnh, nhằm giới thiệu đến bạn đọc sự phong phú, đa dạng của các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể ở vùng ven biển Hà Tĩnh, qua đó làm rõ được vai trò hết sức to lớn của các loại hình văn hoá này trong đời sống tinh thần của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh. Các di sản văn hoá này là cơ sở để bảo tồn, kế thừa và phát huy văn hoá truyền thống, làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần hiện nay. Đặc biệt, trong cuốn sách này, nhóm tác giả đã đưa ra các giải pháp khai thác hiệu quả nhằm quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, con người Hà Tĩnh gắn với phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm văn hoá.
Ngoài Lời nói đầu và Phụ lục, cuốn sách Tri thức dân gian về đánh bắt và chế biến thuỷ, hải sản của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh gồm 3 phần chính: Phần I - Khái quát về địa - văn hoá vùng ven biển Hà Tĩnh; Phần II - Tri thức dân gian của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh về đánh bắt hải sản; Phần III - Tri thức dân gian của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh về chế biến hải sản. Nội dung cuốn sách trình bày những kinh nghiệm về đoán định thời tiết qua những hiện tượng thiên nhiên như sấm, chớp, mây, mưa, cầu vồng, và sự thay đổi của các loài vật, từ đó có những cách ứng phó với thiên nhiên. Và cách thức đánh cá có thể đánh bằng lưới, bằng câu, bóng các loại, hiểu biết về dòng hải lưu, thuỷ triều, con nước, luồng lạch, cửa sông, đầm phá, thiên văn, khí hậu khi đi biển, cách bảo quản, chế biến hải sản, buôn bán, thủ công, chế tạo công cụ đánh bắt, nuôi trồng các loại thuỷ sản theo mùa... Đồng thời, việc thiết lập được lịch con nước trở thành vốn tri thức quan trọng, giúp cho ngư dân xác định được thời gian đánh bắt và vị trí đánh bắt một cách hiệu quả, phục vụ lại sản xuất và đời sống cho cộng đồng cư dân vùng biển. Thông qua đó, nhằm tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân gian của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh; tích cực góp phần trong việc điều chỉnh các hoạt động đánh bắt, nhằm bảo vệ sự phát triển của hệ sinh thái biển cũng như nâng cao nhận thức và hành vi của người dân về văn hoá biển.
Thông qua hai cuốn sách này, nhóm tác giả đã làm rõ hơn vị trí, vai trò cũng như tầm quan trọng của vùng ven biển Hà Tĩnh trong bối cảnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững hiện nay của tỉnh Hà Tĩnh và đưa ra các giải pháp để đưa các di sản văn hoá thành những sản phẩm du lịch độc đáo, là trong những thế mạnh để đưa du lịch và kinh tế du lịch của Hà Tĩnh phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025 đúng như mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/ TU, ngày 7/12/2017 của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo đã đề ra.
Nhà xuất bản Nghệ An xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc hai công trình tâm huyết của nhóm tác giả Phan Thư Hiền, Đặng Thị Thuý Hằng, Lê Thị Hoài Thơ và Cù Thị Nhung.
NGỌC CHI