TÌNH THƠ ĐẬM ĐÀ DƯ VỊ ĐỒNG QUÊ

Thứ năm - 05/09/2024 04:24 599 0
TÌNH THƠ ĐẬM ĐÀ  DƯ VỊ ĐỒNG QUÊ
       Bạn bè văn nghệ và độc giả lâu nay phần đông đã biết tên nữ tác giả Vũ Thị Kim Liên, hội viên Chi hội Văn học Nghệ thuật Quỳnh Lưu (Nghệ An) qua những tác phẩm văn xuôi đăng trên các báo, tạp chí Trung ương, địa phương, trong đó đáng chú ý là tập truyện ngắn Gieo hạt cho mùa sau do NXB Nghệ An ấn hành năm 2023). Bên cạnh đó, lĩnh vực thơ ca cũng là ưu thế của chị. Chị làm thơ từ mấy chục năm qua, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, chuyện “cơm áo gạo tiền không đùa với khách thơ” nên nay, tuổi ngoại lục tuần, điều kiện kinh tế ổn định hơn, chị mới gom lại để ra mắt tập thơ tâm huyết DƯ VỊ ĐỒNG QUÊ này.
       Thơ ca “là âm nhạc của tâm hồn” (Voltaire), “là thư ký trung thành của trái tim” (Duybralay),
nhà phê bình văn học Nga - V.Belinsky khi bàn về thơ đã viết: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Cuộc đời qua cảm nhận và lăng kính của Vũ Thị Kim Liên là tình yêu cha mẹ, gia đình, bạn bè, người thân, quê hương, đất nước, thiên nhiên,... Dẫu đề tài gì, chị đều thể hiện một cách chân thành, trung thực và dung dị. Nhà văn Maksim Gorky từng nói: “Không có mặt trời, hoa không nở. Không có mẹ hiền thì không có anh hùng, thi nhân”. Chính vì thế, số bài thơ chị viết về mẹ với lòng nhớ ơn sâu sắc và thành kính chiếm tỉ lệ khá nhiều trong tập thơ. Có những bài khiến ta không khỏi bùi ngùi xúc động như: “Nhớ mẹ”, “Giấc mơ”, “Ngày giỗ mẹ”, “Mùa Vu lan”. Chị xót xa thấy mình có lỗi vì chưa đền đáp được công ơn biển trời của mẹ:
Mẹ đã ra đi theo quy luật đất trời
Để lại trong con nỗi buồn thương khắc khoải
Để lại trong con những ăn năn hối lỗi
Bởi chưa tròn bổn phận một người con...
(Nhớ mẹ)
      Quê hương luôn là mảnh đất yên bình, thân thương gần gũi và thân thiện nhất trong mỗi người dân Việt Nam. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nói “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Quê hương trong thơ của Kim Liên là:
Trung du gió Lào nắng lửa
Đất bạc màu cằn khô sỏi đá
(Miền quê khởi sắc)
      Chị yêu thương miền quê nghèo đã nuôi chị lớn lên và tự hào về quê hương mình nay đã đổi mới:
Kênh tưới tiêu nhịp nhàng đồng bộ
Ruộng manh mún được dồn điền đổi thửa
Máy cày thay thế bước chân trâu
Thâm canh giống mới đạt năng suất cao
Máy gặt đập liên hoàn hối hả
Đường, điện, trường, trạm xá...
Thôn xóm đẹp giàu, đô thị hoá văn minh...
                                   (Miền quê khởi sắc)
      Ngoài tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc trong Vũ Thị Kim Liên cũng nồng nàn như thế, bởi “Đất Tổ quốc đều là đất Mẹ” (Chế Lan Viên). Khắp đất trời Việt Nam, những nơi chị đi qua đều có thơ viết về vùng quê đó: “Hoàng Mai một thời để nhớ”, “Về thăm Vực Mấu”, “Về lại Nam Đàn”, “Du lịch Hang Bua”, “Nhật ký chuyến hành hương”, “Lên Đồng Văn, “Ngoạn bước Tây Du”, “Thì thầm Điện Biên”,... Mỗi miền quê qua thơ chị là một bức tranh tươi đẹp về tình đất, tình người, giúp người đọc như được theo bước chân lữ khách, du lịch chiêm ngưỡng phong cảnh ngoạn mục vô cùng thú vị...
     Yêu quê hương, đất nước cũng bởi vậy mà trách nhiệm công dân của chị được thể hiện tha thiết qua các bài thơ: “Thư gửi Trường Sa”, “Láng giềng - Ngoại xâm”,... Và những bài thơ chị viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,... với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc. Lời thơ rưng rưng xúc động: “Về lại Nam Đàn”, “Trăng rằm tháng Giêng”,
“Cảm xúc”,...

      Như đã nói ở trên, đề tài thơ của Vũ Thị Kim Liên được mở ra khá rộng. Chị viết về thầy cô giáo, về người lính thời hậu chiến, về người thầy thuốc, về bạn bè, về những phận đời cơ nhỡ: “Đời lính chiến”, “Hoài niệm”, “Mãi gọi chị là cô”, “Cô giáo dạy Văn”, “Cảm ơn áo trắng blouse”,...
Chị ngưỡng mộ các nhà thơ tiền bối và từ đó, nuôi dưỡng thêm ước mơ văn chương, thi ca của mình qua các bài: “Bà Chúa thơ Nôm”, “Nhớ nhà thơ Xuân Diệu”,...
      Người thơ Vũ Thị Kim Liên là phụ nữ nông dân tri điền chính hiệu. Chị thuần phác, nhân hậu, hiền lành nhưng khá vất vả trong cuộc sống. Thời thiếu nữ, đang học lớp chuyên Văn, Trường THPT Năng khiếu Phan Bội Châu (Nghệ An) thì chị phải bỏ dở ước mơ tươi đẹp, trở thành lao động chính trong nhà và chăm nuôi người mẹ đau yếu. Đến tuổi trưởng thành, chị xây dựng gia đình và tham gia công tác xã hội của hợp tác xã và xóm thôn. Cuộc sống ở miền quê nghèo luôn long đong lận đận. Có lúc, chị tâm sự:
Hơn nửa đời người, ta đã được gì đâu
Nhặt nhạnh vun trồng xây mơ ước dài lâu
Chung quy lại chỉ hai bàn tay trắng
Kiếp đời mình sao chua chát đắng cay...
(Khát vọng)
      Nhưng nói là nói vậy thôi. Ai lại chẳng có lúc “kiểm kê” những được, mất của mình để định hướng bước tiếp. Vì thế, chị không hề yếu mềm, bi luỵ mà luôn cố gắng vươn lên.
      Ngoài chuyện vất vả mưu sinh với đồng ruộng, với cơm áo gạo tiền và hết lòng vun đắp cho gia đình, chồng con, chị vẫn:

Luôn khao khát những gì hồn nhiên nhất
Trong tiềm thức bùng lên bao khát vọng
Dồn nén lâu ngày...
Ứ đọng... Cháy thành thơ!...
                                 (Khát vọng)
      Chính khát vọng yêu thơ đó đã cân bằng cuộc sống của chị, giúp chị nhìn đời đẹp hơn và chiêm cảm về bản thân, về những người phụ nữ nông thôn ở hậu phương đợi chờ người ra trận, thật ấn tượng và da diết:
Con đò neo mãi bến xưa
Chờ người chinh chiến sao chưa thấy về...
(Hoài vọng)
       Và vẫn thuỷ chung, hy vọng ước mơ:
Áo em nhuộm tím mỏi mòn
Tuổi xuân héo hắt, lòng son đợi chờ
Anh về trong những cơn mơ
Dắt tay em xuống bến đò đầy hoa.
                                     (Hoài vọng)
      Chính vì yêu thơ, thơ làm cho tâm hồn thăng hoa, nên dẫu tuổi “tóc ngả màu sương khói”, Kim Liên vẫn cảm nhận: “Hạnh phúc đâu đã tận cùng/ Yêu thương mãi vẫn thấy... không hề già” (Thơ tình tuổi sáu mươi). Để từ đó, chị viết những bài thơ, tứ thơ về tình yêu thật hay và tươi trẻ:
Đôi mắt em biết nói
Vời vợi như trời xanh
Nụ cười em biết gọi
Thổn thức trái tim anh...
                      (Tình yêu không lời)
       Như là thuộc tính của phái đẹp, chị luôn yêu hoa lá, cỏ cây, đất trời thiên nhiên như yêu người thân của mình qua các bài: “Tiếng xuân”, “Chạm ngõ mùa xuân”, “Chúc xuân”, “Bâng khuâng mùa hạ”, “Tự tình với mùa thu”,... Giữa thời đại đô thị hoá nông thôn, bê tông hoá từng con đường ngõ xóm, tường cao cổng kín, bếp ga, bếp điện lên ngôi, hẳn ta không khỏi nao lòng khi đọc câu thơ của chị:
Đi đâu cũng nhớ về khói bếp
Xôn xao tiếng gà
Tình làng nghĩa xóm đậm đà chất quê...
                                               (Làng tôi)
         Dư vị đồng quê gồm 68 bài thơ với nhiều thể loại, tuy cách thể hiện chưa mới và có đôi bài, đôi chỗ còn sa vào tự sự, dễ dãi,... nhưng nhìn chung tất cả đều thấm đẫm nghĩa tình và đầy “dư vị đồng quê”, sâu lắng như chính tiêu đề của tập thơ vậy. Nhà thơ Bạch Cư Dị (Trung Quốc) từng nói đại ý: “Thơ cốt tình làm gốc, ngôn ngữ là ngọn, âm thanh là hoa, ý nghĩa là quả”. Ngoài tính nghệ thuật, ở góc độ trữ tình, ta dễ nhận ra thơ của Vũ Thị Kim Liên đã thấu đạt chữ tình, nhuần nhuỵ lắng sâu.
       Xin chúc mừng chị và trân trọng giới thiệu tập thơ tới quý độc giả gần xa. Mong sắp tới, Vũ Thị Kim Liên tiếp tục gieo trồng, chăm sóc cho vườn thơ, cây thơ mới của mình gốc thêm lớn, vững chãi, rễ bám sâu vào hiện thực cuộc sống, cành lá tốt tươi, ra nhiều hoa thơm, quả ngọt dâng hiến cho đời!...
 
               Quỳnh Lập - Mùa hè năm 2024
                    Trương Quang Thứ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây