Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng bắt đầu bén duyên với công việc viết kịch bản các hoạt cảnh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh khi ông đã bước sang tuổi lục tuần, về nghỉ hưu tại quê nhà Diễn Hoa (xưa kia là làng Phượng Lịch, vùng đất nổi tiếng về trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải).
Phải chăng từ mạch nguồn văn hoá của vùng đất Phượng Lịch xưa đã nuôi dưỡng, hun đúc tâm hồn Cao Xuân Thưởng từ khi còn là một cậu bé con, khiến ông gắn bó và say mê với các làn điệu dân ca Ví, Giặm. Để rồi được mọi người gọi ông là “thầy bày” dân ca. Một lợi thế của Cao Xuân Thưởng là trước khi ghi danh trong mảng viết lời mới cho dân ca Ví, Giặm, ông đã được bạn đọc biết đến là một nhà văn, nhà thơ với những câu thơ trữ tình, bay bổng, cách dùng từ ngữ linh hoạt, uyển chuyển và không kém phần tinh tế.
Tính từ năm 2002 đến nay, Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng đã có hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ, với đủ các thể loại: đơn ca, đối ca, diễn xướng, tiểu phẩm, kịch, ca kịch,... dựa trên chất liệu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, phục vụ cho nhiều địa phương trong tỉnh, một số sở, ban, ngành trong các kỳ hội diễn, liên hoan văn nghệ,...
Đến nay, Cao Xuân Thưởng đã có 3 giải tác phẩm Xuất sắc tại 3 kỳ liên hoan “Dân ca Ví, Giặm” liên tỉnh Nghệ - Tĩnh, 9 giải A tại các kỳ liên hoan dân ca Ví, Giặm các cấp. Với những đóng góp đó, năm 2015, Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.
Xin được giới thiệu đến bạn đọc xa gần cuốn sách mới xuất bản của ông, nằm trong danh mục sách đặt hàng của UBND tỉnh Nghệ An năm 2021: Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng, - Tuyển tập kịch bản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Cuốn sách gồm 3 phần chính: Phần I - Diễn xướng; phần II - Đối ca; phần III - Kịch, tiểu phẩm gồm 41 tác phẩm. Qua đó, có thể thấy được sự miệt mài, tài năng và lòng đam mê của tác giả dành cho dân ca Ví, Giặm. Những câu chuyện cuộc sống, từ chuyện trong nhà đến chuyện xóm làng, đoàn thể được ông lồng ghép một cách tài tình vào các tác phẩm một cách tự nhiên, làm cho người xem, người nghe, người đọc thấy được sự gần gũi. Đọc các tác phẩm của ông, ngoài lời ca nhuần nhuyễn, độc giả còn thấy được nét hóm hỉnh, tinh nghịch nơi con người tác giả. Sự hài hước này đã làm cho các tác phẩm của ông khi công chiếu thu hút đông đảo người xem.
Xin được trích một vài đoạn trong tác phẩm của ông để thấy rõ hơn nét tài hoa, hóm hỉnh của “người giữ lửa” Cao Xuân Thưởng:
“Nguyệt dạ canh trường năm ba o Diễn Châu ta ngồi lại
Trước thì làm nghề canh cửi
Nay đổi mới thêu ren
Nhân mùa Lễ hội Làng Sen
Chị em ta cùng hát giao duyên để nhớ Người”.
(Mùa trăng sông Bùng)
“O Thất: Này, bác nói phải giữ lời hấy, em bẻ giặm đây nì
Giặm vè:
Bác tuần giữ cửa làng
Mà như giữ cửa mình
Nỏ kể chi chữ tình
Cứ khăng khăng đóng chặt
Khăng khăng đòi đóng chặt”.
(O Thất mất bò)
“Rượu ngon chính hiệu chợ Đình
Say men, say cả nghĩa tình xóm thôn
Người quê gặp buổi nông nhàn
Nấu dăm ba nồi rượu gọi rằng phụ thêm...”.
(Chuyện o hàng rượu)
Nhà xuất bản Nghệ An trân trọng giới thiệu cuốn sách đến quý bạn đọc và mong rằng sẽ góp phần lan tỏa, ngân vang, ngân xa những làn điệu dân ca Ví, Giặm của xứ Nghệ đến mọi miền Tổ quốc!
Phạm Ngọc Chi