CHỢ PHIÊN BA ĐỒN - CÔNG TRÌNH ĐẠT GIẢI A - GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT LƯU TRỌNG LƯ

Thứ hai - 09/05/2022 03:44 961 0
Đầu năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình long trọng tổ chức Lễ trao Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư giai đoạn 2016 - 2020, trong đó cuốn sách “Chợ phiên Ba Đồn” của Nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên, do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 2019 đã vinh dự được trao Giải A. Nhà xuất bản Nghệ An trân trọng chúc mừng Nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên và xin phép đăng tải Lời giới thiệu của cuốn sách nhằm giúp độc giả hiểu thêm về một công trình văn nghệ dân gian đặc sắc “Chợ phiên Ba Đồn”:
 
https://lh5.googleusercontent.com/jET7SmTqmXserBxlw97DouutctTMTFM-HerFV-3MyW7XUBAk92Xog-5XfKVbCBUP_tsykSkbBwBHxqUeestS9HI52VaCkbUHJ6mOpvCgOzYHZiceg8cA_HmswC80OUxm1O89ZunV
         Nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên (thứ hai bên trái) nhận Giải A - Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư.
 
LỜI GIỚI THIỆU
       Có ai đó đã nói rằng, muốn tìm hiểu về đời sống kinh tế, tinh thần của một vùng đất, hãy ra chợ. Chợ luôn là một phần không thể tách rời của đời sống xã hội, phản ánh trung thực đời sống kinh tế và là yếu tố cấu thành đời sống văn hoá vùng miền. Mỗi vùng đất có một ngôi chợ riêng cho mình, trở thành hình ảnh thân thương của quê hương, xứ sở. Với thị xã Ba Đồn, đó là chợ phiên Ba Đồn, một trong những chợ lớn cổ xưa của Quảng Bình.
      Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chợ phiên Ba Đồn luôn là địa chỉ nổi tiếng được nhân dân trong tỉnh và cả nước biết đến. Đây là ngôi chợ gắn liền với đời sống, văn hoá, nơi tụ nhân tụ hoá bên bờ sông Gianh lịch sử một thời thương đau chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài.
      Địa danh Ba Đồn có từ thời Trịnh - Nguyễn. Manh nha từ những hoạt động giao thương đơn giản ban đầu, dần hình thành phát triển nên ngôi chợ phiên giàu bản sắc văn hoá ba miền Bắc - Trung - Nam. Ngày nay, siêu thị mọc lên khắp nơi, chợ quê làng, xã nơi nào cũng có, nhưng chợ phiên Ba Đồn một tháng sáu phiên vẫn họp đều đặn, sầm uất, náo nhiệt, đông vui, trở thành chợ đầu mối.
      Với mỗi người dân Ba Đồn, chợ phiên đi vào tiềm thức với những hình ảnh mộc mạc, thân quen. Nó không chỉ là chợ mà còn là ký ức. Nó không chỉ là chốn bán mua mà còn ấm áp tình người, là nét văn hoá, ứng nhân xử thế của dân gian tứ xứ về mua bán, tụ họp. Nhân dân thị xã Ba Đồn rất tự hào về giá trị độc đáo của chợ phiên. Chính vì thế mà chính quyền các cấp vùng đất này luôn tôn trọng truyền thống văn hoá chợ phiên, có trách nhiệm chăm lo xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân khắp nơi hội tụ giao lưu, buôn bán, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người vùng Bắc Quảng Bình; đồng thời, kết nối thị trường các tỉnh miền Trung, trong Nam ngoài Bắc thuận lợi để góp phần giao thương hàng hoá, phát huy giá trị sản phẩm các làng nghề. Đặc biệt, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị độc đáo của chợ phiên Ba Đồn luôn được cấp ủy, chính quyền thị xã chú trọng.
      Yêu mến và trân trọng hồn cốt văn hoá dân gian của quê hương Quảng Bình, Nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên đã sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn cuốn sách “Chợ phiên Ba Đồn” để giới thiệu cùng bạn đọc. Cuốn sách sẽ giúp cho bạn đọc hiểu hơn về một di sản văn hoá - nơi tụ nhân tụ hoá, kết nối các làng nghề truyền thống trong vùng và cả nước. Đây là đóng góp mới trong việc quảng bá điểm đến chợ phiên, thu hút du khách gần xa đến tham quan du lịch, mua sắm hàng hoá đặc sắc của vùng đất Ba Đồn với những con người mến khách, thân thiện!
       Quá trình biên soạn và xuất bản tập sách là sự nỗ lực rất nhiều của tác giả cùng với sự giúp đỡ của cán bộ lãnh đạo thị xã, cán bộ văn hoá, ban quản lý chợ và đông đảo tiểu thương chợ Ba Đồn. Tuy nhiên, đế nói hết về một ngôi chợ phiên với bề dày truyền thống mấy trăm năm, ắt hẳn sẽ không thể không có thiếu sót, rất mong được góp ý của độc giả.
        Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Chợ phiên Ba Đồn”.
                                    PHẠM QUANG LONG
                   Phó Bí thư - Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây