Ngộ nghĩnh “Thiên thần mũ đỏ”

Thứ năm - 16/12/2021 22:58 2.113 0
Tập thơ thiếu nhi “Thiên thần mũ đỏ” của nhà thơ Tùng Bách sau khi trình làng đã đón nhận được nhiều tình cảm của độc giả cũng như bạn bè văn nghệ sĩ. Nxb Nghệ An xin trân trọng giới thiệu bài viết rất thú vị của nhà thơ Ngô Đức Hành, đã đăng trên Báo Nhân Dân điện tử ngày 13/12/2021.
Ngộ nghĩnh “Thiên thần mũ đỏ”
                                                                      NGÔ ĐỨC HÀNH
https://img.nhandan.com.vn/Files/Images/2021/12/13/142-1639382008439.jpg
          “Thiên thần mũ đỏ”, Nxb Nghệ An, tháng 7/2021, là tác phẩm mới nhất Tùng Bách viết cho thiếu nhi. Tập thơ gồm 43 bài thơ xinh xắn.
        Trong đề từ, nhà thơ chia sẻ: “Trong nhiều năm cầm bút, tôi tự thấy mình cũng có chút duyên với mảng văn học thiếu nhi. Tôi đã bỏ ra không ít thời gian để học cách tự trẻ hóa mình”. Trẻ con vốn thích tìm tòi, khám phá, thích bắt chước, gợi mở để phán đoán... Không “tự trẻ hóa”, hiểu tâm lý trẻ em thì sao viết được cho thiếu nhi?
        Trong tập thơ, dù tác giả không phân chia bài theo mảng, ông xếp mục lục tự nhiên, nhưng đọc kỹ thấy có hai phần rõ rệt. Phần những bài thơ lấy chủ đề những con vật nuôi trong các gia đình nông thôn như: “Gà trống không biết chữ O”...; thú cưng như: “Học trò của mèo”; hoang dã trong tự nhiên như: “Thỏ và rùa”, “Dơi và mèo”...; đồ dùng học tập như” “Bút và tẩy”; những công việc mà lứa tuổi thiếu nhi đã phải tham gia như: “Ru em”, “Việc nhà”... Phần còn lại, nhiều bài gợi mở trí tuệ cho trẻ em như “Gió”, “Bầu trời của ếch”, “Đồng hồ quả lắc”...
“Thiên thần mũ đỏ” là tên bài thơ đóng vai trò ngôi sao trong tập thơ, bởi ông chọn làm tên chung cho cả tập là một bài thơ khá thành công. Vịt đực muốn ra oai với vịt mái nên muốn bắt chước tiếng gáy của gà trống. Kết quả như thế nào: “...Vịt đực vỗ vỗ cánh/Ngực ưỡn... cổ vươn cao/Quác quác quác quạc quạc//Vịt mái cười rung ao”.
        Thông qua câu chuyện bằng thơ ngộ nghĩnh giữa vịt đực và vịt mái, Tùng Bách còn gợi ý cho những suy nghĩ về xã hội đối với trẻ em. Mình cứ phải là mình, không bắt chước bạn làm gì. Bắt chước khó lắm đấy và không cần.
Nhà thơ sử dụng nhiều thủ pháp trong “Thiên thần mũ đỏ”, nhưng khi ông khai thác chất đồng dao, tác phẩm thật thú vị và gần gũi. “Thích chua/trồng nhót/Thích ngọt/trồng cam...” và “Thích xem quỳnh nở/Xin đừng ngủ quên” (Thích). Đồng dao truyền thống một câu có bốn từ, Tùng Bách đã sáng tạo thêm đồng dao hai từ, nhịp điệu đời thường, gần gũi. 
        Trong “Thiên thần mũ đỏ” có bài giáo dục tình yêu với quê hương, biển đảo cho thiếu nhi khá thú vị. “Ai ăn trầu ngoài đó/mà có đảo hòn Cau/Hòn Nồi dạt nơi nao/úp hòn Vung lại đấy” (Quần đảo Côn Lôn).
         Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng chia sẻ, nhu cầu đọc của những đứa trẻ, của các bậc phụ huynh, của những người luôn luôn suy nghĩ về chiến lược giáo dục cho trẻ em là rất lớn. Trong khi đó, sách văn học cho thiếu nhi của chúng ta rất mong manh. Trong tình hình chung như vậy, “Thiên thần mũ đỏ” của nhà thơ Tùng Bách là cố gắng đáng ghi nhận.
                                                                                          NGÔ ĐỨC HÀNH

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay22,617
  • Tháng hiện tại655,625
  • Tổng lượt truy cập8,703,325
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây