Chi hội VHNT Quỳnh Lưu được thành lập cách đây 25 năm (năm 2000), hiện nay có 30 hội viên tham gia sinh hoạt trong đó có 19 hội viên thuộc Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, 1 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (Hồ Ngọc Quang).
Từ khi thành lập đến nay, ngoài các hoạt động thường niên, định kỳ, mỗi năm Chi hội VHNT Quỳnh Lưu xuất bản từ 2 - 3 tập san với tên gọi Tùng Lĩnh. Đây là “sân chơi” nghệ thuật của các hội viên trong Chi hội cũng như các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Nội dung ấn phẩm Tùng Lĩnh đa dạng, phong phú, có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh kịp thời các sự kiện nổi bật của huyện Quỳnh Lưu về kinh tế, chính trị cũng như đời sống xã hội.
Chào đón Xuân Ất Tỵ 2025, Chi hội VHNT Quỳnh Lưu tiếp tục ra mắt bạn đọc tập san Tùng Lĩnh, tập 43 với 144 trang nội dung, gồm các bài viết, ký, tản văn, truyện ngắn, thơ, nhạc,… Tập san Tùng Lĩnh đã góp phần làm cho không khí xuân thêm rộn ràng, tươi vui với những sáng tác mang đậm hơi thở cuộc sống của các văn nghệ sĩ.
Góp mặt trong Tùng Lĩnh, tập 43, ngoài các cây bút tên tuổi của văn đàn xứ Nghệ như: Nguyễn Ngọc Lợi, Hồ Ngọc Quang, Vi Hợi, Trương Quang Thứ,… còn có các cây bút thường xuyên xuất hiện trên các báo, tạp chí của tỉnh cũng như Trung ương như: Đinh Trọng Thuật, Nguyễn Thị Phương, Hồ Đình Xích,…và xuất hiện nhiều gương mặt mới, cho thấy Tùng Lĩnh đã trở thành “sân chơi” thu hút được nhiều văn nghệ sĩ trong cũng như ngoài tỉnh. Những gương mặt thơ: Hồ Đình Xích, Trương Quang Thứ, Đậu Phi Nam, Lam Kiều, Trần Quang Nhật, Vũ Thị Kim Liên,… tạo những dấu ấn riêng, làm phong phú thêm cho nội dung ấn phẩm Tùng Lĩnh, tập 43.
Xin được điểm qua một số bài viết mang dấu ấn đặc biệt trong Tùng Lĩnh, tập 43:
Đầu tiên, mở đầu cho tập san là bài ký “Cầu Giát, phố quê” của nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi. Ông cha ta thường nói “ôn cố tri tân”, năm mới - một khởi đầu mới chắc hẳn không ai trong chúng ta đều hoài niệm về một năm đã qua, hoài niệm về những gì xưa cũ, “ôn cố” để chúng ta tự tin bước vào một năm mới với bao hy vọng, bao điều mới đang đón chờ. Nguyễn Ngọc Lợi một cây bút hăng say miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa, với lối dẫn chuyện dung dị, cuốn hút, những câu chuyện đời thường được ông đưa vào trang viết một cách sinh động và đầy hình ảnh. “Cầu Giát, phố quê” đưa chúng ta trở về những năm xa xưa, khi phố Giát còn mới bắt đầu được hình thành. Xen lẫn những kỷ niệm của tác giả, phố Giát xưa hiện lên với một vẻ đẹp đầy cuốn hút và không kém phần nhộn nhịp khi Tết đến xuân về.
Bài viết của nhà văn Hồ Ngọc Quang và ông Hồ Đức Nhân về bản khoán ước ra đời cách nay gần 500 năm của làng Quỳnh Đôi đã cho cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin quý giá cũng như càng khẳng định thêm lần nữa về giá trị không gian văn hoá làng Quỳnh trong thời đại ngày nay.
Bài viết của Giáo sư Đặng Thanh Lê viết về người mẹ của mình (bà Hồ Thị Toan, vợ của Giáo sư Đặng Thai Mai, con gái cụ Hồ Phi Thống (một nhân sĩ yêu nước, tác giả của cuốn sách “Nhân đạo quyền hành” rất nổi tiếng trước năm 1945) với nhan đề “Mẹ tôi, người phụ nữ làng Quỳnh” với lối kể mạch lạc, khúc chiết đã tái hiện người vợ, người mẹ vĩ đại, người đã có công lớn trong thành công của Giáo sư Đặng Thai Mai, người đã có công lớn trong nuôi dạy các con thành tài, thể được tấm lòng của một người con dành cho người mẹ của mình, một tình cảm chân thành, giản dị và đầy ngưỡng mộ.
Các bài viết trong Tùng Lĩnh, tập 43 đều có chất lượng tốt, phong phú về mặt thể loại, phản ánh những góc nhìn độc đáo và sâu sắc về cuộc sống, thiên nhiên tươi đẹp cũng như con người trong thời đại mới. Tản văn, truyện ngắn, ký trong Tùng Lĩnh, tập 43 mang đến cho bạn đọc những trải nghiệm thú vị, từ những kí ức xa xưa, đến những suy ngẫm về cuộc sống, con người hôm nay. Bằng lối viết giàu hình ảnh, các tác giả đã thể hiện được các cung bậc cảm xúc một cách tinh tế như: Xuân của văn nghệ sĩ (Vi Hợi), Mạch nguồn sông Côn (trích tiểu thuyết của Hồ Ngọc Quang), Tản mạn dòng Mai (Tô Mạc Duy Trấn), Vị ruốc biển Quỳnh (Hồ Đình Xích),... Bên cạnh đó, các bài thơ, nhạc trong tập san được các tác giả chọn lọc, sử dụng ngôn ngữ một cách tinh tế, sâu sắc, lột tả được vẻ đẹp của mùa xuân, vẻ đẹp của sức sống mới, con người mới: Thoáng Hói Nồi (Bùi Thuỷ), Nỗi đau khép lại (Đậu Phi Nam), Quê nội với nàng Xuân Hương (Đinh Trọng Thuật), Khát (Nguyễn Thị Phương), Bốn phía mùa Xuân (Trương Quang Thứ),…
Tin rằng ấn phẩm Tùng Lĩnh, tập 43 sẽ mang đến cho quý bạn đọc một món quà ý nghĩa khi Tết đến xuân về!
NGỌC CHI