NNƯT NGUYỄN TRỌNG TUẤN: TRỌN VẸN NIỀM ĐAM MÊ VỚI VÍ - GIẶM

Thứ ba - 01/10/2024 03:50 927 0
Nhân dịp Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn xuất bản tập sách “Ví - Giặm hồn quê”, NXB Nghệ An trân trọng giới thiệu Lời nói đầu cuốn sách của nhạc sỹ Mạnh Chiến, nhằm giúp độc giả hiểu hơn về tác giả, tác phẩm.
LỜI NÓI ĐẦU
        Nhắc tới Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Trọng Tuấn, rất nhiều người, mà đặc biệt là những người thường xuyên tham gia diễn đàn văn học nghệ thuật nói chung, văn nghệ dân gian hay văn nghệ quần chúng nói riêng đều rất ấn tượng, về “một giọng ca vàng sáng giá” đi lên từ phong trào nghệ thuật quần chúng. Giọng ca ấy đã lay thức bao tâm hồn người hâm mộ, không chỉ ở huyện, tỉnh mà còn toả rộng ra phạm vi cả nước.
 
bia vi giam
 
        NNƯT. Nguyễn Trọng Tuấn - một trong những người hát dân ca Nghệ Tĩnh hay nhất của phong trào nghệ thuật quần chúng ở khu vực Nghệ Tĩnh trong những năm đầu thế kỷ XXI, được sinh ra và lớn lên ở vùng đất Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nơi đây được xem là “mảnh đất thiêng” trong thế đứng trụ “chân kiềng” của ba làng quê: Tiên Điền - Uy Viễn - Tả Ao (Nguyễn Du - Nguyễn Công Trứ - Tả Ao). Đất này, cả trong lịch sử ngàn năm cho tới bây giờ, vẫn là nơi sản sinh ra những giá trị tinh thần lớn lao cho quê hương, đất nước và nhân loại. Nguyễn Trọng Tuấn được kế thừa truyền thống vẻ vang của quê hương, của một gia đình yêu mến văn hoá, văn nghệ, nhất là từ người cha của mình. Ông làm nghề may, hay ca hát, lại say môn nhạc cụ “trống chầu”. Tất cả được Nguyễn Trọng Tuấn cô đúc, dồn nén lại và trải vào tâm hồn mình một tình yêu lớn lao dành cho nghệ thuật.
         Từ một cậu bé theo cha đi nghe hát tuồng bội ở sân khấu quê nhà, nay đã là một Nghệ nhân Ưu tú, Nguyễn Trọng Tuấn vừa hát hay, hát chuẩn, hát chính. Sáng tác, biên soạn, dàn dựng, lồng điệu, chuyển thể các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, hay tổng đạo diễn các chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ trên diễn đàn nghệ thuật tỉnh nhà, cũng như tỉnh bạn, các cơ quan, ban, ngành không hiếm khi thiếu sự tham gia của Nguyễn Trọng Tuấn. Anh là người góp phần truyền dạy và thắp lửa phong trào hát dân ca ở địa phương, trường học,... Tất cả những nỗ lực, cống hiến ấy đã được minh chứng bằng các Huy chương, Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó là số lượng lớn các tác phẩm, các công trình nghệ thuật mà anh đã sáng tạo mấy chục năm qua cho quê hương, cho tỉnh nhà. Ở đây, tôi không đi sâu nói rõ về số lượng các tác phẩm, số lượng Huy chương, Bằng khen, Giấy khen của anh, vì rằng: Nghệ thuật mãi chỉ tồn tại ở khái niệm “chất lượng” mà thôi! Có khi trong cả cuộc đời của người cầm bút, người nghệ sỹ chỉ để lại cho đời một vài tác phẩm đi cùng năm tháng, đã là vinh dự lắm rồi!
         Song đối với cá nhân NNƯT. Nguyễn Trọng Tuấn, thì thành tích và những dấu ấn thành công như vậy cũng đã là tấm gương mà nhiều người mơ ước, ngưỡng mộ! Cái đáng đề cập, đáng nói nhất ở đây là: Từ một Nguyễn Trọng Tuấn, một công dân, từng là người lính, một đời hoạt động nghệ thuật từ phong trào quần chúng mà trưởng thành, được Nhà nước vinh danh Nghệ nhân Ưu tú là một thành tựu vô cùng lớn lao trên con đường phấn đấu, tự tu dưỡng của riêng mình. Anh là tấm gương về sự bền bỉ, kiên trì học hỏi, nhận sự chỉ lối, dẫn đường của các nhà giáo, tri thức, các văn nghệ sỹ lão thành, các tổ chức chính trị, xã hội có liên quan đến sự phát triển của sự nghiệp mà mình theo đuổi suốt 40 năm qua, bằng con đường tự học. Chính điều này đã làm cho quan niệm và suy nghĩ của nhiều người về khái niệm, bằng cấp, học hàm, học vị không riêng gì nghệ thuật mà trên bình diện cuộc sống lâu nay, cũng cần nên xem xét lại? Phải chăng hai chữ “bằng cấp” hay “đẳng cấp” của mỗi cá thể sáng tạo mới làm nên một giá trị muốn có? Thông qua cuộc đời và sự nghiệp của NNƯT. Nguyễn Trọng Tuấn ta càng thấy rõ hơn, chính môi trường sống, nói đúng hơn là không gian thực tiễn của đời sống cộng với trí thức, kinh nghiệm được góp nhặt từ đời sống mới chính là “mái trường vĩ đại nhất” làm cho mỗi cá thể phát triển toàn diện hơn.
 
anh 2 vi giam
 
       Tất cả những điều đó được gói gọn trong tuyển tập Ví - Giặm hồn quê, với hơn 50 tác phẩm, bao gồm: tổ khúc dân ca và tiểu phẩm dân ca Nghệ Tĩnh mà NNƯT. Nguyễn Trọng Tuấn giới thiệu đến quý bạn đọc, chắc chắn rằng, qua đây độc giả sẽ hiểu hơn, trân trọng hơn và yêu quý tác giả nhiều hơn.
 
    Nhạc sỹ Mạnh Chiến
    Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam
         Chi hội phó Chi hội VHNT huyện Nghi Xuân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây