NGUYỄN THỊ MINH THÌN VỚI… NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI QUA CHIẾN TRANH

Thứ sáu - 20/09/2024 04:36 634 0
        Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đề tài về chiến tranh vẫn luôn thôi thúc những người cầm bút… Có người viết về cuộc sống của những người lính trên chiến trường, có người lại khai thác cuộc sống của người lính sau ngày trở về. Và Nguyễn Thị Minh Thìn đã thành công khi viết về cuộc sống của người lính từ chiến trường trở về, đặc biệt là thân phận người nữ cựu chiến binh…
        Nguyễn Thị Minh Thìn, sinh ngày 15/10/1955 tại xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; là hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An. Đến nay, chị đã xuất bản được ba tập tiểu thuyết, và Người đàn bà đi qua chiến tranh là cuốn tiểu thuyết thứ tư của chị, do Nhà xuất bản Nghệ An vừa mới ấn hành vào tháng 9/2024.
 
bia minh thin
 
        Đây là cuốn tiểu thuyết dày dặn, gồm 32 chương, 312 trang, được trình bày trong khuôn khổ 16x24cm; trang nhã về hình thức, hấp dẫn về nội dung…
       Cuốn sách xoay xung quanh nhân vật Yên - người đàn bà đi qua chiến tranh, một cuộc chiến tranh đầy những đau thương, mất mát nhưng rất đỗi vinh quang. Ở đó có những người đồng đội, đồng chí sẵn sàng quên mình, sẵn sàng hy sinh để đem lại nền độc lập, hoà bình cho nhân dân, cho đất nước. Ở đó có những kỷ niệm không bao giờ quên, đến nỗi, khi trở về với cuộc sống với bao nhiêu bộn bề, Yên vẫn đau đáu khôn nguôi về những người bạn, vẫn nhớ da diết cảnh núi rừng, cảnh mưa ở Trường Sơn. Khi trở về với cuộc sống đời thường, Yên mang trong mình sự khát khao cống hiến, khát khao dựng xây cuộc sống.
       Thế nhưng, cuộc sống đời thường lại không như tưởng tượng. Trở về quê nhà, ngoài phải đương đầu với những mưu sinh cơm áo gạo tiền, người lính ấy phải hứng chịu những di chứng, những nỗi đau của chiến tranh để lại. Cảm giác đầu tiên khi đọc tập truyện là những nỗi đau ấy hoàn toàn có thể gặp trong đời sống hôm nay, nơi các giá trị của tình yêu, hạnh phúc, hôn nhân thường mong manh, dễ đổ vỡ, cũng như con người rất dễ đối diện với tai nạn, rủi ro, bệnh tật, ốm đau. Thế nhưng, với niềm tin, sự lạc quan, họ vẫn vượt qua, lao động vươn lên để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
      Là một cựu chiến binh, Nguyễn Thị Minh Thìn hiểu hơn ai hết cuộc sống của những người lính ở nơi rừng thiêng nước độc cũng như sau ngày trở về. Bởi thế, chị viết bằng tất cả nỗi niềm, tâm sự của mình. Đọc Người đàn bà đi qua chiến tranh, tôi luôn có cảm giác: mọi thứ đã đầy ắp, ứ nghẹn trong chị nên cứ đặt bút là… tuôn trào!
 
minh thin 1
 
        Với Người đàn bà đi qua chiến tranh, giọng văn của Nguyễn Thị Minh Thìn vẫn vậy, rủ rỉ, nhẹ nhàng, như tác giả đang lặng lẽ ngồi trong góc khuất của ký ức chiếu những thước phim quay chậm về cuộc đời của các nhân vật. Từ đó, độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống của các nhân vật. Mỗi một nhân vật trong Người đàn bà đi qua chiến tranh dường như bước ra từ cuộc sống đời thường, chúng ta sẽ có cảm giác hình như mình đã từng gặp người này đâu đó trong cuộc sống. Đây cũng là sự thành công, là một nét rất riêng trong phong cách sáng tác của tác giả Nguyễn Thị Minh Thìn.
        Chiến tranh, nỗi đau của chiến tranh để lại rất nặng nề, nhưng trong cuộc sống hôm nay, dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình người vẫn luôn nồng đượm. Khó khăn là thế, nhưng Yên vẫn luôn nhận được sự giúp đỡ từ những người bạn, đó là Tâm - cô bạn học, cô em gái tốt tính; đó là bạn của Lành - người đã giúp các cháu của Yên đóng tiền học phí, đó là Thành - người đồng đội Trường Sơn năm xưa,... Chính những con người này là những “điểm sáng” trong Người đàn bà đi qua chiến tranh, để chúng ta tin rằng, “sau cơn mưa trời lại sáng”, cuộc sống còn nhiều tươi đẹp, người tốt cuối cùng rồi cũng sẽ được hạnh phúc!
                            
PHẠM HẰNG
           

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay9,282
  • Tháng hiện tại427,641
  • Tổng lượt truy cập13,523,758
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây