VĂN & ĐỜI - TÂM HUYẾT MỘT ĐỜI CỦA NHÀ GIÁO NẶNG LÒNG VỚI VĂN CHƯƠNG

Thứ năm - 04/07/2024 23:57 1.404 0
Nhà giáo Nguyễn Quang Tuyên, sinh năm 1934, tại xã Bùi Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh, hiện sinh sống tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
 
bia van va doi
      Là người yêu văn chương, ham đọc, ham viết, nên nhà giáo Nguyễn Quang Tuyên đã có trong tay một gia tài văn chương đồ sộ mà nhiều người mơ ước: Làm văn nghị luận như thế nào? (2 tập), Sở Văn hoá Thông tin Nghệ An, 1988 (soạn chung với Lưu Đình Chương, Phan Bá Hàm, Nguyễn Tư Hoành, Trần Thúc Tường; Kể chuyện về Bác Hồ, tập 3, Nxb Nghệ An, 1990 (soạn chung với Nguyễn Thanh Tùng; Văn kể chuyện lớp 5, Sở Văn hoá Thông tin Nghệ An, 1993; Bài làm văn chọn lọc lớp 5, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9 (5 tập), Sở Văn hoá Thông tin Nghệ An, 1989, 1990, 1991 (soạn chung với Nguyễn Lộc, Tống Trần Ngọc); Bài làm văn chọn lọc lớp 10, lớp 11, lớp 12 (3 tập), Nxb Giáo dục, 1993, chỉnh lý, bổ sung năm 2000 (soạn chung với Đỗ Kim Hồi, Đặng Hiển, Trần Trung, Vũ Dương Quỹ); Dạy văn và đàm luận văn chương, Nxb Nghệ An, 2007; Văn & Đời, Nxb Hội Nhà văn, 2016. Và năm 2024, thầy tiếp tục trình làng bạn đọc Văn & Đời (tái bản có bổ sung) do Nhà xuất bản Nghệ An vừa mới ấn hành tháng 6 năm 2024.
 
anh van va doi 2
 
     Cuốn sách gồm 5 phần: Phần I. Cảm nhận; Phần II. Trao đổi; Phần III. Sẻ chia; Phần IV. Hồi ký, thơ giao lưu; Phần V. Hồi âm; tập hợp các bài viết đã được đăng tải trên các sách báo và tạp chí. Phần Văn là những bình luận văn chương, những cảm nhận của nhà giáo Nguyễn Quang Tuyên về các tác phẩm, các hiện tượng văn học. Phần Đời là những chiêm nghiệm, những trải nghiệm qua thăng trầm cuộc sống của chính tác giả, những tình cảm nồng hậu mà bạn hữu gần xa dành cho nhà giáo Nguyễn Quang Tuyên. Đó cũng là niềm vui, nguồn động viên tinh thần to lớn của thầy giáo một đời tận tuỵ và đam mê với Nghề!
      Với Văn & Đời (tái bản có bổ sung), nhà giáo Nguyễn Quang Tuyên một lần nữa lại mang đến cho độc giả những cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn học, để chúng ta thêm yêu, thêm quý, thêm tự hào về nền văn chương nước nhà. Ở đó có hình ảnh thi sĩ chiến sĩ đang ngắm trăng đàm đạo việc quân (Nguyên tiêu - Hồ Chí Minh); sự bối rối đáng yêu của cô gái về làm dâu xứ Nghệ khi được tiếp đãi “đặc sản” giọng Nghệ (Tiếng Nghệ - Nguyễn Bùi Vợi); những “nhục nhằn” của người lao động trên bến Cửa Tiền (Một thoáng Cửa Tiền - Lê Thái Sơn); những triết lý trong “Bức tượng” của Thạch Quỳ; tình yêu “bình yên mà giông bão, hờn giận mà thuỷ chung, bồng bềnh mà vẫn theo nhau” trong “Cho anh tựa vào em” của Lâm Thị Mỹ Dạ; tư thế hiên ngang của thành Vinh trong “Gạch vụn thành Vinh” của Thạch Quỳ; sự đớn đau của nàng Thuý Vân khi phải làm sứ giả tình yêu thay chị trong “Tâm sự nàng Thuý Vân” của Trương Nam Hương; ở đó còn có tình cảm của những người con đối với đấng sinh thành ra mình (Mẹ - Văn Quyền),...
       Ngoài ra, trong tuyển tập này, tác giả Nguyễn Quang Tuyên còn có những phát hiện thú vị về những tranh cãi trong các nghiên cứu khoa học, những sai sót không đáng có trong các công trình khoa học, những đề thi có “vấn đề”, những bài viết đăng tải trên các sách báo gây nhiều hiểu lầm, để từ đó giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về các hiện tượng văn học nghệ thuật cũng như các vấn đề trong xã hội.
      Một điều dễ nhận thấy trong Văn & Đời của nhà giáo Nguyễn Quang Tuyên, đó là sợi dây tình dường như xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Thiết nghĩ, đây cũng là sự hấp dẫn, thu hút đối với độc giả, bởi xét cho cùng, nếu cuộc sống thiếu đi sự kết nối tình cảm, sẽ vô vị và nhạt nhẽo vô cùng! Bởi vậy, với Nguyễn Quang Tuyên, cuộc sống là sự sẻ chia, sự thấu hiểu,... Và, ông dành tình cảm đặc biệt đó đối với các bậc cây đa cây đề trong làng giáo, làng văn: Cao Thế Lữ, Phạm Nhượng, Hà Văn Tải, Nguyễn Ngọc Uyển,... Qua giọng văn của ông, người đọc thấy được phần nào nhân cách cao đẹp, sự tận tuỵ hết lòng về công việc của các bậc đại thụ trong làng giáo, làng văn, để rồi từ đó niềm tin vào cuộc sống ngày càng được ươm mầm, nuôi dưỡng, phát triển.
        Sẽ rất thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến những tình cảm mà bạn bè, đồng nghiệp, thi huynh, thi hữu, các thế hệ học trò, những người đã gắn bó với tác giả Nguyễn Quang Tuyên từ những ngày vất vả mưa bom bão đạn. Những tình cảm chân thành này xuất phát tự đáy lòng, dễ mấy ai có được. Phải chăng tình cảm đó được nuôi dưỡng từ chính cái tâm trong sáng của thầy giáo Nguyễn Quang Tuyên? Để đến bây giờ hễ nhắc đến thầy giáo Nguyễn Quang Tuyên là họ dành cho thầy sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn, sự tự hào về một người thầy tâm huyết hết mình với bạn bè, với đồng nghiệp và đặc biệt là với các thế hệ học trò. Và tác giả đã rất trân trọng  dành riêng Phần V. Hồi âm để lưu trữ những kỷ niệm thiêng liêng, vô giá của bạn bè, học trò,… yêu mến gửi cho mình.
      Với nhà giáo Nguyễn Quang Tuyên: Văn là Đời, Đời là Văn. Hai phạm trù này tuy hai nhưng mà một, luôn hoà quyện với nhau, bổ sung cho nhau để tạo nên một “lão giáo” Nguyễn Quang Tuyên đầy trẻ trung, lạc quan yêu đời, như lời thơ tặng của thi hữu Văn Quyền trong bài “Đời khen”:
          Khổ hay sướng là do mình cảm nhận
  Ta yêu đời, đời chẳng phụ chi ta
        Ngẫm hạnh phúc là có từ dâng hiến
Bận tậm chi tuổi trẻ hay già….
                                                                                                                                                     
                                                                                                                                                            Nội dung: Phạm Hằng
                                                                                                                                                             Ảnh: Bùi Ngọc; Trình bày: Phương Thảo
        

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây